Thần Chú Đại Bạch Tản Cái Phật Đảnh còn được gọi là Thần Chú Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm có công năng bảo hộ cho những Chúng sinh tu hành với Tâm Chân Chánh!
Phật Mẫu Chuẩn Đề (Mẹ của chư Phật) là Bậc Giác Ngộ đã phát nguyện: Hộ trì những Chúng sanh đau khổ bởi phước mỏng nghiệp dày mà chịu tu tập sẽ được giải thoát.
Phật Mẫu Chuẩn Đề (Thất Câu Chi Phật Mẫu Chuẩn Đề, Phật Mẫu Chuẩn Đề Vương Bồ Tát, Bồ Tát Chuẩn Đề, Phật Mẫu, Mẹ của chư Phật...) vì lòng từ bi nên đã nhập định và tiết lộ Thần Chú Chuẩn Đề trước Đức Phật nhằm cứu giúp những Chúng sanh đau khổ chịu tu tập có được một con đường giải thoát! Ngài có rất nhiều danh xưng khác nhau như: Lục Thời Quán Âm trong Mật Giáo; Phật Mẫu thuộc Biến Tri Viện trong Tạng Giới Mạn Đà La; Nữ thần Mẹ trong Hindu Giáo;...
Phật Mẫu Chuẩn Đề là ai?
Ngài Phật Mẫu Chuẩn Đề (Chuẩn Đề Bồ Tát) khi nhìn thấy Cảnh giới của các Chúng sinh trong thời mạt Pháp vị lai vì bị vướng mắc đủ mọi ác nghiệp từ Thâm Căn Cố Đế mà phải chịu nhiều đau khổ, trải qua đủ mọi kiếp nạn mà vẫn không thể tự tìm ra cho mình con đường để giải thoát đã vô cùng thương xót.
Vì lòng từ bi bao la và tình yêu thương vô bờ bến của mình, Ngài Phật Mẫu đã nhập định và tuyên thuyết Thần Chú. Pháp của Ngài đã tạo ra cơ hội cho những Chúng sinh đang đau khổ trong cõi Luân Hồi được cứu giúp khỏi mọi nghiệp chướng và dẫn dắt họ đi đến con đường tu sửa đúng đắn để Giải thoát.
Sự tích Phật Mẫu Chuẩn Đề Vương Bồ Tát
Phật Mẫu Chuẩn Đề hay còn được gọi là Thất Câu Chi Phật Mẫu Chuẩn Đề; Thất Câu Đê Phật Mẫu; Thánh Thượng Chuẩn Đề; Phật Mẫu Chuẩn Đề Vương Bồ Tát; Chuẩn Đề Quan Âm; Chuẩn Đề Bồ Tát; Nhân Thiên Trượng Phu Quan Âm;...
Tùy theo trường phái hoặc nền văn hoá từ các quốc gia khác nhau mà Ngài sẽ có hình tượng và tên gọi tương ứng khác nhau.
Phật Mẫu Chuẩn Đề trong Phật Giáo Đại Thừa
Theo trường phái Đại Thừa, đặc biệt là trong Kim Cương Thừa thì Ngài Chuẩn Đề chính là một Vị Phật Mẫu (Mẹ của chư Phật) và có vai trò tương đương với Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát.
Phật Mẫu Chuẩn Đề trong Thai Tạng Giới Mạn Đà La
Theo Thai Tạng Giới Mạn Đà La (Garbhadhatu Mandala) thì Ngài Chuẩn Đề (Cundi) là một trong số ba Vị Phật Mẫu trên tổng Bảy Vị Tôn (Gồm Phật Mẫu, Phật Nhãn,...) tại Viện Biến Tri (Còn gọi là Viện Phật Mẫu) - Thuộc Biệt Đức nằm phía trên của Viện Trung Đài Bát Diệp.
Đây cũng chính là Viện biểu thị cho Đức Biến Tri (Biết khắp tất cả) và Đức Năng Sinh (Phúc đức không ngừng sinh trưởng) của chư Phật.
Phật Mẫu Chuẩn Đề trong Phật Giáo Mật Tông
Ngài Phật Chuẩn Đề cũng chính là Lục Thời Quán Âm (Vị Bồ Tát từ bi ngày đêm không ngừng quan sát thủ hộ Chúng sanh) của Mật Giáo.
Phật Mẫu Chuẩn Đề trong Ấn Độ Giáo
Trong Ấn Độ Giáo, Ngài được cho là có mối liên quan mật thiết đến Nữ Thần Durga (Một Vị Nữ Thần Mẹ).
Ngài được xưng tụng là Đấng Tối Cao biểu trưng cho Quyền lực vô biên (Shakti / Adi Parashakti), sức mạnh vĩ đại, tình yêu thương, sự sáng tạo, sự bảo vệ, sự nuôi dưỡng, sự bảo toàn và sự hủy diệt của người Hindu.
Nữ Thần Durga nổi tiếng với chín danh xưng khác nhau bao gồm: Skandamata, Kushmanda, Shailaputri, Kaalratri, Brahmacharini, Maha Gauri, Katyayani, Chandraghanta và Siddhidatri.
Ngài chính là Bhagavati - Vợ Thần Shiva và cũng là mẹ của các vị thần (Thần Đầu Voi Ganesha và Thần Chiến Tranh Kartikeya).
Nữ Thần Durga cũng chính là hoá thân của rất nhiều Vị Thần và Á Thần trong truyền thuyết của Ấn Độ, chẳng hạn như: Parvati, Kali, Bhagvati, Bhavani, Ambika, Lalita, Gauri, Kandalini, Java, Rajeswari,...
Ngoài ra, Ngài cũng được cho là còn sở hữu rất nhiều hình tượng và tên gọi khác nữa, chẳng hạn như: Adi Parashakti, Devi, Shakti, Bhavani, Chandi, Amba,...
Thậm chí, người Hindu còn liệt kê ra hẳn một Danh sách 108 tên khác của Ngài và chúng được gọi chung là Ashtottara Shatanamavali của Nữ Thần Durga.
Phật Mẫu Chuẩn Đề trong văn hoá Champa
Người Champa cổ vốn rất sùng bái Tam Thần (Gồm Thần Brahma, Vishnu và Shiva) trong Hindu giáo. Do đó, Ngài Chuẩn Đề trong văn hoá Champa cũng chính là Nữ Thần Bhagavati (Vợ Thần Shiva).
Trong Tam Thần thì Shiva là vị Nam Thần mà người Champa cổ tôn thờ nhiều nhất nên dẫn theo việc vợ ngài là Nữ thần Bhagavati cũng được như vậy. Bằng chứng là có rất nhiều đền tháp thờ phượng Thần Shiva và Thần Bhagavati nằm rải rác ở miền Trung Việt Nam còn đến tận ngày nay.
Lúc đầu, tại Kauthara (Nha Trang Việt Nam ngày nay) chỉ có một ngôi đền nhỏ bằng gỗ tên là Sri Sambhu thờ Thần Shiva.
Có lần, người Java (Thuộc tộc đông nhất ở Indonesia) đã đến giao tranh cướp bóc và đốt mất tượng Thần Shiva của Champa. Không cam tâm nên sau đó người Chăm đã quyết định xây dựng lên nhiều trung tâm tín ngưỡng Ấn Độ giáo hùng tráng ngay tại đây.
Từ đó, Nữ Thần Bhagavati được tôn chức là Yang Pu Kauthara (tức là Thánh Mẫu) của Tiểu vương quốc Kauthara (Nha Trang Việt Nam ngày nay).
Tiếp theo sau đó một thời gian thì vua của Đế Quốc Khơ Me đã tạc tượng Nữ thần Bhagavati bằng vàng và thăng tôn chức của Ngài từ Yang Pu Kauthara (Thánh Mẫu của Tiểu vương quốc Kauthara) thành Yang Pu Nagara (Thánh Mẫu của Vương Quốc).
Sau một biến cố khiến cho tượng vàng của Yang Pu Nagara bị cướp mất nên người Khmer đành phải tạc lại một bức khác làm bằng đá hoa cương để thay thế.
Bức tượng này hiện tại vẫn đang được lưu giữ trong quần thể đền thờ của Tháp Po Nagar. Còn Nữ Thần Bhagavati với tôn chức là Yang Pu Nagara (Nữ Thần Mẹ của Vương Quốc) được người Chăm ngày nay gọi là Po Ina Nagar (Nữ vương Po Ina Nagar, Bà Ponagar) và nhất mực tôn thờ.
Và tục Thờ Bà đã trở thành một tín ngưỡng bản địa ăn sâu trong tiềm thức của hầu hết người dân xứ sở Champa.
Ngoài ra, vị Mẫu Thần này còn được biết đến là Nữ Thần Trầm Hương (Vị Nữ Thần cai quản việc sẽ cho phép "ai" là người tìm được Trầm Hương).
Phật Mẫu Chuẩn Đề trong văn hoá Việt Nam
Ngài Chuẩn Đề trong văn hoá Việt Nam chính là Đức Mẹ Thiên Y Ana (Bà Chúa Ngọc, Bà Hồng, Cô Hồng, Bà Mẹ Xứ Sở, Bà Chúa Động, Bà Chúa Tiên, Thiên Y Thánh Mẫu).
Do trong quá trình giao thoa văn hoá tâm linh tín ngưỡng giữa Chăm - Việt thì người Việt đã tiếp nhận hình tượng Nữ Thần Mẹ Xứ Sở Ponagar của người Chăm rồi chuyển thành Đức Mẹ Thiên Y Ana của người Việt.
Phật Mẫu Chuẩn Đề trong Phong Thần Diễn Nghĩa
Còn theo Phong Thần (Phong Thần diễn nghĩa của Hứa Trọng Lâm) thì Đức Chuẩn Đề là một vị tiên ở Tây Phương Cực Lạc có đạo hiệu là Đức Chuẩn Đề Đạo Nhân. Pháp bảo nổi danh của Ngài chính là Thất Bảo Diệu Thụ.
Chuẩn Đề Đạo Nhân là sư đệ của Tiếp Dẫn đạo nhân. Cả hai Ngài đều là những sinh linh đầu tiên từ khi Bàn Cổ (Vị Thần đã khai thiên lập địa và sáng tạo vũ trụ. Địa vị của Ngài từ lâu đã vượt qua Tam Giới). Trong chương thứ 78 có mô tả về Ngài Tiếp Dẫn Đạo Nhân như sau: “Đại tiên đi chân trần táo lê hương, chân đạp tường mây càng dị thường; 12 đài sen diễn pháp bảo... Tu thành xá lợi minh thai tức, thanh nhàn cực lạc là Tây phương”.
Vậy có thể kết luận: Chuẩn Đề Đạo Sư và Tiếp Dẫn Đạo Sư chính là hai người hiếm hoi trong Tam Giới vừa tu Phật vừa tu Đạo. Cả hai đã lập ra Tây Phương Giáo - Tiền Thân của Phật Giáo sau này. Cả hai phát nguyện đưa cõi Tây Phương cằn cỗi trở nên đại hưng, độ hóa Chúng Sinh thành Phật, thuận theo Thiên Đạo, tu được đại lượng Công đức và cuối cùng thành tựu Thánh vị. Chuẩn Đề Đạo Sư chính là Đức Phật Mẫu Chuẩn Đề còn Tiếp Dẫn Đạo Sư chính là Phật Tổ Như Lai (Nhiên Đăng Cổ Phật.).
Phật Mẫu Chuẩn Đề trong Tây Du Ký
Theo Tây Du Ký thì Đức Chuẩn Đề chính là một vị Đại Tiên có pháp thuật và đạo hạnh vô cùng cao thâm nhưng thân phận lại cực kỳ bí hiểm. Đó chính là Bồ Đề Tổ Sư - Vị sư phụ đầu tiên của Tôn Ngộ Không.
- Kỳ thực, chân thân của Tôn Ngộ Không vốn dĩ có mối liên quan mật thiết đến Phật Giáo. Từ khi chỉ mới là một viên Tiên Thạch thì nó đã nhận được sự chú ý từ Bồ Đề Tổ Sư rồi.
- Sau khi trải qua một thời gian hấp thụ đủ tinh khí của trời đất và tinh hoa Nhật Nguyệt thì viên Tiên Thạch này sinh ra được một Thạch Hầu.
- Khoảng cách địa lý giữa Núi Hoa Quả đến Linh Đài Phương Thốn sơn (Nơi cư ngụ của Bồ Đề Tổ Sư) lên đến hàng ngàn dặm. Vậy làm thế nào mà con khỉ già tại đây lại biết và chỉ Thạch Hầu con đường đi tìm Bồ Đề Tổ Sư để xin học quy luật Trường Sinh?
- Rồi Thạch Hầu cũng khởi hành từ núi Hoa quả đến thẳng được Tây Ngưu Hạ Châu, Linh Đài Phương Thốn Sơn, Tà Nguyệt Tam Tinh động mà lại không mắc phải bất cứ một sai lầm nào dù đường đi rất xa xôi cách trở?
- Và khi mới đến nơi, Thạch Hầu đang loay hoay vì không biết tìm động tĩnh của Bồ Đề Tổ Sư từ đâu thì lại đột nhiên xuất hiện một vị tiều phu chỉ đường mách lối cho nó tìm được đúng nơi Ngài cư ngụ. Trong khi người bình thường hầu như đều không có ai biết về vị Ẩn sĩ này.
Kết luận thứ nhất: Rõ ràng chuyện Ngộ Không bái Bồ Để Tổ Sư thành công là do đã có sự sắp xếp sẵn.
- Khi chính thức xuất hiện, những tiểu đồng đi theo ông mang phong thái của Đạo gia, còn hình tượng của chính ông lại phản ánh tư tưởng Ẩn sĩ với tư tưởng thanh tịnh giải thoát không vướng bận chuyện trần tục và sống hòa làm một thể với tự nhiên.
- Bồ Đề Tổ Sư đặt tên cho Thạch Hầu là Tôn Ngộ Không. Tên này có nghĩa là: Sau khi đã trải qua từ vô thỉ kiếp, chỉ khi Tâm đạt đến trạng thái Không thì mới chân chánh trở thành Bậc Giác Ngộ.
- Thạch Hầu muốn tìm xin học thuật Trường sinh từ Bồ Đề Tổ Sư, tức ông rõ ràng là người tu Đạo Tiên. Nhưng Bồ Đề Tổ Sư lại chọn đặt cho Tôn Ngộ Không một cái tên đúng bản chất của Phật Tử, tức ông cũng là người tu theo triết lý nhà Phật.
- Khi giảng đạo, ông vừa thể hiện ánh sáng Phật giáo qua hình ảnh "Thiên hoa loạn trụy; Địa dũng kim liên", vừa mang màu sắc của Đạo giáo với triết lý "Tính Mệnh song tu".
Nên có thể đưa ra kết luận thứ hai: Bồ Đề Tổ Sư chính là một trong số những người hiếm hoi trong Tam Giới vừa tu Phật vừa tu Đạo, tức là Chuẩn Đề Đạo Nhân hoặc Tiếp Dẫn Đạo Nhân.
- Trong quá trình truyền dạy Tôn Ngộ Không, Bồ Đề Tổ Sư giới thiệu bốn pháp môn: Thuật, Lưu, Tĩnh, Động. Tất cả đều là các pháp tu luyện trong Đạo giáo. Nhưng vì Đạo giáo có hàng hà sa số kiểu tu luyện và tùy theo căn cốt mà sẽ có con đường học đạo theo phù hợp.
- Nên khi chỉ dạy phép thuật cho Ngộ Không thì tại sao Bồ Đề Tổ Sư lại không dạy trước mặt các học viên như bình thường? Đó là vì Ngài sợ những người bình thường nhìn ra thứ mà Ngộ Không đang được dạy không phải là đạo pháp thông thường mà chính là Tiên Pháp.
- Và nếu tâm người học không thực sự chân chánh và thoát ly khỏi các mối bận tâm trần tục thì chắc chắn việc truyền dạy đạo pháp này có thể đem lại hậu quả vô cùng khó lường.
Kết luận thứ ba: Tính cách của Bồ Đề Tổ Sư biểu thị rõ sự nội liễm, tâm tự tại, thanh tịnh và thoát ly trần tục.
- Sau khi đã được chỉ dạy xong, vì phạm phải sai lầm khoe khoang phép thuật mà Ngộ Không đã bị Ngài trực xuất khỏi sư môn. Trước khi Ngộ Không rời khỏi, Bồ Để Tổ Sư đi còn nghiêm khắc căn dặn: Ngươi từ bây giờ, định sinh bất lương, dù cho ngươi có hành hung, gây tai họa như thế nào, cũng không được nói là đệ tử của ta.
Kết luận thứ bốn: Nếu không có Bồ Đề Tổ Sư, Tôn Ngộ Không sẽ không thể đạt được khả năng siêu phàm, Đường Tăng sẽ không thể thỉnh kinh và Tây du ký sẽ không trở thành một tác phẩm kinh điển.
- Thái Thượng Lão Quân là Đại Tiên có phép thuật vô cùng cao thâm đến mức những yêu quái chỉ cần sử dụng các Pháp Bảo của ông (Dây thừng hoàng kim, vòng kim cang trác, Tử Kim Hồ Lô và Ngọc Tịnh Bình…) thì đều có thể áp chế được Tôn Ngộ Không. Vậy tại sao Ngộ Không lại có thể dễ dàng trộm hết Tiên Dược của ông?
- Và khi Ngộ Không đại náo Thiên Cung tại sao Thái Thượng Lão Quân vẫn không thực sự ra tay để ngăn cản?
Kết luận thứ năm: Đây rõ là do Bồ Đề Tổ Sư đã nói với Thái Thượng Lão Quân từ trước và họ cố tình dàn xếp để mọi việc xảy ra đúng theo trình tự như vậy. Đây có thể đều là sự an bài của Bồ Đề Tổ Sư để dẫn dắt Ngộ Không dần đi đến con đường tu Phật.
- Và Bồ Đề Tổ Sư trong "Tây Du Ký" ẩn cư tại Tà Nguyệt Tam Tinh động trong Linh Đài Phương Thốn sơn, Tây Ngưu Hạ Châu. Trong đó, Linh Đài Phương Thốn sơn có thể gọi tắt là Linh sơn - Đây cũng chính là nơi mà Phật Tổ Như Lai đang ngự trị.
Kết luận thứ sáu: Bồ Đề Tổ Sư cũng là một vị Tôn giả Tây phương và có mối liên quan mật thiết với Phật Tổ Như Lai. Tương tự như Chuẩn Đề Đạo Nhân chính là sư đệ của Tiếp Dẫn Đạo Nhân (Tức Phật Tổ Như Lai) vậy.
- Ta cũng có thể thấy toàn bộ Tây Du Ký hầu như không có một vị Thần Tiên nào từng nhắc đến tên gọi của Bồ Đề Tổ Sư, dù rằng tài năng của ông phải thuộc hàng thượng thừa. Điều này chứng minh dù tu Đạo nhưng ông chọn cho mình lối sống ẩn dật khiêm nhường, không màng danh lợi, tránh gần gũi Thần Tiên và cách rời Tam Giới.
- Mọi nghịch cảnh mà Ngộ Không sẽ phải trải qua Ngài cũng đều đã tính được từ trước nên đã cố tình truyền dạy pháp thuật nhằm giúp y ẩn thân, hóa giải tai kiếp và thoát khỏi nguy hiểm. Ngoài ra cũng thông qua đó gửi gắm cho y những bài học trong việc cảm nhận đủ mọi gian khổ của cuộc đời trước khi hướng tới sự siêu thoát.
Kết luận cuối cùng: Bồ Đề Tổ Sư trong Tây Du Ký và Chuẩn Đề Đạo Nhân trong Phong Thần Diễn Nghĩa chính là một! Và họ đều là hoá thân của Ngài Phật Mẫu Chuẩn Đề!
- Ngoài Ngài Chuẩn Đề ra thì còn một vị đã xuất hiện 3 lần trong Tây Du Ký để kịp thời cứu giúp Tôn Ngộ Không, đó chính là Vị Tiều Phu. Cụ thể:
- Lần 1 là khi Thạch Hầu tìm nơi ở của Bồ Đề Tổ Sư để xin học đạo thì vị tiều phu đột nhiên xuất hiện chỉ đường.
- Lần 2 là khi thầy trò Đường Tăng đang trên đường đi thỉnh Kinh và bị lạc trên Bình Đỉnh Sơn thì cũng được vị này chỉ đường rồi biến mất.
- Lần 3 là khi thầy trò Đường Tăng đến Hoả Diệm Sơn thì vị tiều phu xuất hiện chỉ Ngộ Không đi đến hang động trên núi Thúy Vân cách đó không xa để gặp Bà La Sát - Người sở hữu Quạt Ba Tiêu. Đấy cũng là thứ duy nhất dập tắt được ngọn lửa của núi Hoả Diệm.
Chân tướng thật sự của vị tiều phu đó chính là Bàn Cổ!
Qua lời nói và hành động của nhân vật Bồ Đề Tổ Sư, tác giả Ngô Thừa Ân cũng đã tuyên truyền tư tưởng Phật giáo, nhấn mạnh rằng: Chỉ có phương pháp tu hành của nhà Phật mới dẫn con người đến giải thoát và đạt được quả vị Chính Đạo.
Hình tượng của Phật Mẫu Chuẩn Đề
Phật Mẫu Chuẩn Đề thường hiện thân trong tư thế ngồi kiết già trên một đài sen và toả ra ánh hào quang rực rỡ bao trùm lấy xung quanh. Và ngay bên dưới có hai vị Long Vương (Naga) tên là Nan Đà và Bạt Nan Đà luôn theo sau ủng hộ Ngài.
Hình tượng khi xuất hiện của Phật Mẫu Chuẩn Đề (Cundi Buddha) là tất cả các cánh tay đều luôn cầm đủ mọi loại Pháp Khí khác nhau nhằm biểu lộ uy lực vĩ đại của Ngài trong việc diệt trừ ma chướng và ban phát công năng nhiệm màu để ủng hộ tất cả những Hành giả tu theo chánh Pháp!
Phần Chân thân của Phật Mẫu Chuẩn Đề
Theo Kinh Thất Câu Chi Phật Mẫu Sở Thuyết Chuẩn Đề Đà La Ni thì chân thân của Phật Mẫu Chuẩn Đề được mô tả với nhiều hình hài khác nhau nhưng đều mang dáng vẻ tốt đẹp chiếu diệu quang minh xuyên khắp thế gian. Kim thân của Ngài có sắc vàng (vàng lợt đến vàng tươi) cùng lằn điển quang màu trắng giữa hai chân mày. Trong đó:
- Màu vàng: Tượng trưng cho Thai Tạng Giới.
- Màu trắng: Tượng trưng cho Kim Cang Giới.
- Màu vàng pha trắng: Tượng trưng cho pháp môn Giới - Định - Tuệ Nhất Thể Không Phải Hai (Lý trí chẳng hai Định Tuệ một thể) của chư Phật.
Phần mão đội đầu của Phật Mẫu Chuẩn Đề
Đầu Ngài đội mão Hoa Quang. Phía trên mão hoá hiện ra 5 vị Như Lai.
Phật Mẫu Chuẩn Đề có 3 con mắt
Trên gương mặt Ngài có 3 con mắt, gồm: Phật Nhãn, Pháp Nhãn và Tuệ Nhãn tượng trưng cho Pháp Môn Bình Đẳng Tuyệt Đối (Ba đế chẳng dọc chẳng ngang, nhất như bình đẳng) của chư Phật. Mỗi con mắt của Phật Mẫu Chuẩn Đề đều ánh lên nét nhìn sắc sảo quán chiếu khắp thập phương mà khởi sinh lòng từ quyết cứu độ Chúng sinh.
Hai dái tai của Ngài đều có đeo ngọc bửu.
Phần y phục của Phật Mẫu Chuẩn Đề
Toàn bộ trang phục khoác lên thân Ngài đều chiếm trọn một màu sắc trắng với phần phía trên được đắp y còn phía dưới thì mặc xiêm.
Trang sức trên thân của Phật Mẫu Chuẩn Đề
Cổ ngài đeo một chuỗi anh lạc (chuỗi hạt trang sức được kết từ đa bảo biểu đạt cho cái đẹp và sự linh thiêng trong Phật Giáo) dài rũ xuống trước ngực.
Còn trên ngực Ngài hiện ra chữ "Vạn".
Phần cánh tay và Pháp khí của Phật Mẫu Chuẩn Đề
Hiện thân của Ngài có 18 cánh tay và mỗi bên 9 cánh. Chi tiết:
Toàn bộ cánh tay phía bên phải của Ngài Phật Mẫu Chuẩn Đề
Ta có thể thấy toàn bộ cánh tay phía bên phải của Ngài Phật Mẫu Chuẩn Đề đều nắm giữ các khí vật hung tợn (như kiếm, búa, móc câu, chày,…) dùng để hàng phục những Chúng sinh cang cường khiến họ quy hướng Chánh pháp.
Toàn bộ cánh tay phía bên trái của Ngài Phật Mẫu Chuẩn Đề
Còn toàn bộ cánh tay phía bên trái của Ngài thì nắm giữ các báu vật (như tràng hạt, hoa sen, dải lụa,…) để những Chúng sinh sau khi đã hàng phục sẽ được ban phát thánh tài Phật pháp giúp tạo điều kiện cho họ tu tập giải thoát.
Pháp Khí trên từng cánh tay của Ngài Phật Mẫu Chuẩn Đề
Hai cánh tay thứ nhất
Hai cánh tay trên cùng đều kết Ấn Chuẩn Đề như tướng Ngài lúc đang thuyết pháp.
Hai cánh tay thứ hai
Tay phải thứ hai bắt Ấn Thí Vô Uý (Vô ý Thí Thủ Trừ Bố) có công năng giúp Chúng sinh diệt trừ nỗi sợ hãi.
Tay trái thứ hai cầm Như Ý Châu.
Hai cánh tay thứ ba
Tay phải thứ ba cầm Hàng Ma Kiếm có công dụng hàng ma phục yêu. Kim Cang Lợi Bồ Tát, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát và Sứ giả Bất Động Minh Vương cũng đều cầm kiếm này.
Tay trái thứ ba cầm Hoa Sen Hồng vừa mới nở.
Hoa Sen sở hữu 8 đặc tính vô cùng tuyệt diệu, gồm:
1. Vô nhiễm: Hoa sen dù mọc lên từ bùn nhơ nhưng không hề bị nhiễm mùi hôi của bùn, biểu trưng cho đức tánh Bất cấu nhiễm "cư trần bất nhiễm trần", giống như Phật tánh vốn có của Chúng sinh luôn thanh tịnh sáng suốt và không bị dòng vô minh vọng nghiệp làm cho dính mắc .
2. Trừng thanh: Dù mọc ngay trên bùn nhưng chỉ cần hoa sen nảy mầm ở đâu thì nước chỗ đó không bao giờ bị đục, biểu trưng cho đức tánh Lóng trong, lóng lặng cấu uế phiền não. Khi không còn phiền não thì thân tâm Chúng sinh mới được an lạc.
3. Kiên nhẫn: Cây sen là một loại túc căn thảo được nảy mầm từ phần rễ củ đã có từ một năm trước đó. Nó nằm rất lâu dưới lớp đất bùn đợi hội tụ đủ nhân duyên thì mới nảy mầm. Sự chờ đợi đó chính là biểu trưng cho đức tánh Kiên nhẫn của Chúng sinh.
4. Viên dung: Trong hoa sen thì những cánh hoa luôn bao bọc che lấy phần gương sen tròn trịa bên trong giúp không bị các loài ong bướm làm tổn hại, biểu trưng cho đức tánh Viên giác vượt ngoài mọi phạm trù nhân duyên và luôn tròn đầy sáng tỏ không cảnh gì có thể làm vấy bẩn được của mỗi Chúng sinh.
5. Thanh lương: Khác với các loài hoa khác thường chọn mùa xuân thì hoa sen lại nở vào mùa hè, biểu trưng cho đức tánh Thanh Khiết, giống như khi những Chúng sinh đang bị thiêu đốt trong Nhà Lửa Tam Giới thì được nước Cam Lồ từ bi tưới tẩm làm dịu mát tâm hồn.
6. Hành trực: Không loài hoa nào có phần thân thẳng như hoa sen, biểu trưng cho đức tánh Thân Ngay Thẳng "trực tâm tức thị đạo tràng", chỉ cần Chúng sinh sửa thân và tâm cho ngay thẳng thì bất cứ đâu cũng thành chốn thanh tịnh.
7. Ngẩu không: Ruột cây sen tuy ngay thẳng nhưng lại rỗng không, biểu trưng cho đức tánh Hỷ Xả nhắc nhở Chúng sinh hãy luôn nở nụ cười an nhiên trước mọi việc đến và đi trong cuộc đời.
8. Bồng thực: Các loài cây khác thì khi hoa tàn mới kết nụ và trổ hạt còn cây sen khi hoa nở là đã có hạt nằm sẵn trong gương rồi, biểu trưng cho triết lý Nhân Quả Đồng Thời, nhắc nhở Chúng sinh Nhân quả như hình với bóng, hình thế nào thì bóng thế đấy.
Hai cánh tay thứ tư
Tay phải thứ tư cầm Sổ Châu (Xâu chuỗi Mala, Bảo Mạng).
Tay trái thứ tư cầm Bình Quân Trì (Quân Trì thủ thiền định) có công năng phòng trừ sự nóng khát. Đây là loại bình mà các chư Tăng xưa hay mang đi chu du khắp nơi để uống nước.
Hai cánh tay thứ năm
Tay phải thứ năm cầm Câu Duyên Quả (Cụ Duyên Quả, Cẩu Duyên Quả, , Ma Đăng Long Già, Ma độc Long Già, Vi Nhã Bố La Ca Quả, Tử Mãn Quả, Màtuluiga) có công năng phòng trừ tai hoạ và bảo hộ đất đai. Khổng Tước Minh Vương trong Mật Giáo cũng cầm quả này trên tay. Loại quả này giống với quả mộc qua hoặc quả quýt, thuộc họ cam chanh.
Tay trái thứ năm cầm Quyển Tố Thủ (Dây Quyển Tố) là sợi dây sáng sạch trói buộc những Chúng sanh Cang Cường khiến họ quy hướng Chánh pháp.
Hai cánh tay thứ sáu
Tay phải thứ sáu cầm Phủ Việt Thủ (Búa bén) có công năng che chở Chúng sinh trước mọi tai nạn.
Tay trái thứ sáu cầm Bất Thối Kim Luân (Bánh Xe Pháp Luân) giúp giáo phái của Đức Phật lưu chuyển khắp thế gian.
Hai cánh tay thứ bảy
Tay phải thứ bảy cầm Câu Thi Thiết Câu Thủ có công năng giúp Chúng sinh giải trừ mọi nghiệp chướng.
Tay trái thứ bảy cầm Bảo Loa Thủ (Thương Khư, Pháp Loa) là một loại nhạc khí được làm từ vỏ ốc biển có vòng xoắn xoay theo chiều bên phải.
Hai cánh tay thứ tám
Tay phải thứ tám cầm Bạt Chiết La Thủ (Chày Tam Thủ, Chày Kim Cang) là một loại binh khó của Ấn Độ xưa. Nó cũng được xem là ngọn cờ của trí tuệ và có công năng giúp đoạn trừ phiền não cho Chúng sinh.
Tay trái thứ tám cầm Hồ Bình Thủ (Hiền Bình, Thiện Bình) có công năng sinh ra Phúc Thiện và thoả mãn mọi ước nguyện cho Chúng sinh.
Hai cánh tay thứ chín
Tay phải thứ chín cầm Bảo Đạc Thủ (Linh Báu) là một chiếc chuông nhỏ được dùng tay cầm để lắc mỗi khi sử dụng, có công năng thu thập tất cả Phạm Âm (Âm thanh tinh khôi, thanh tịnh và thuần khiết của Chánh pháp).
Tay trái thứ chín cầm Bảo Kinh Thủ (Kinh Bát Nhã Ba La Mật) biểu trưng cho triết lý Xiển Dương Thực Tướng của Vạn Pháp tức là Không Tính của nhà Phật.
Phần cườm tay trên mỗi cánh tay của Ngài đều mang hai chiếc vòng ngọc ốc trắng.
Mỗi cánh tay của Ngài đều đeo Xuyến Thất Châu trông rất xinh lịch.
Và trên các ngón tay của Ngài đều có đeo những chiếc nhẫn nhỏ.
Ý nghĩa danh xưng của Phật Mẫu Chuẩn Đề
Phật Mẫu Chuẩn Đề có tên gọi đầy đủ là Thất Câu Chi Phật Mẫu Chuẩn Đề vốn là hóa thân của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát thị hiện vào trong sáu đường sinh tử để hóa độ chúng sinh. Phân tích ý nghĩa chi tiết về danh xưng của Phật Mẫu Chuẩn Đề dựa theo "Nhị Khóa Hiệp Giải" thì:
- Thất: Bảy.
- Câu Chi: Trăm ức.
- Phật Mẫu: Người mẹ sinh ra chư Phật.
- Chuẩn Đề: Pháp môn tu hành dành cho những chúng sinh đời sau nương theo nếu muốn thành tựu Phật quả Vô Thượng Bồ Đề.
Từ tên gọi Thất Câu Chi Phật Mẫu Chuẩn Đề đã chỉ rõ ra hạnh nguyện của chư Phật này chính là: Thời quá khứ có bảy trăm ức Bồ Tát khi tu tập đã nhờ nương vào pháp môn Chuẩn Đề tam muội mà chứng được quả Vô Thượng Bồ Đề. Do đó, các Chúng Sinh đời sau nếu muốn thành tựu Phật quả một cách rốt ráo thì cũng phải nương theo pháp môn này để tu hành.
Pháp môn tu hành của Phật Mẫu Chuẩn Đề
Pháp môn tu hành của Ngài Phật Mẫu Chuẩn Đề chính là Hành giả cần nhất phải biết phát tâm thanh tịnh, trong sạch và đại từ đại bi rồi trì tụng theo Thần Chú Chuẩn Đề.
Ngài phát nguyện: Nếu những Chúng sinh đang đau khổ trong thời mạt Pháp biết thành tâm hướng Phật và sám hối tu theo chánh Pháp sẽ nhận được sự bảo hộ giúp biến nguy thành an, tiêu trừ nghiệp chướng và đạt thành Giác Ngộ.
Nếu bạn thấy bài viết này hay, hãy đánh giá 5 sao hoặc để lại ý kiến trong phần bình luận bên dưới để chúng mình có thêm động lực tiếp tục phát huy nhé! Cảm ơn các bạn đã theo dõi!